TÍCH TRỮ KHO TÀNG


TÍCH TRỮ KHO TÀNG

“Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21). Để đáp trả cái bẫy mà phái Pharisêu giăng ra gài bẫy mình, Chúa Giêsu đã diễn tả thái độ của Ngài qua hai hành động trong một câu nói dứt khoát không khoan nhượng. Câu nói ấy của Chúa Giêsu đã trở thành triết lí sống cho con người trải qua bao thế hệ. Trong tâm tình của những người lữ hành tìm kiếm Thiên Chúa, chúng ta cũng nên suy gẫm nhiều hơn về những đòi hỏi mà Thiên Chúa muốn nơi mỗi người. Để có thể trả về cho Thiên Chúa những gì Ngài đã tặng ban một cách nguyên vẹn hay nói cách khác, thu tích cho mình một kho tàng không mối mọt trong cõi vĩnh hằng.

Con người là ai? con người là gì? Tại sao ta lại có mặt trên cõi đời này? Ta từ đâu mà đến và rồi sẽ đi về đâu,…? Đó là những câu hỏi lớn mà cuộc đời con người thường suy gẫm; khao khát tìm kiếm câu trả lời đã làm biết bao người phải vất vả suy tư và thổn thức trong cõi lòng. Có những người đã nhận ra câu trả lời, đã tìm thấy ánh sáng chân lí và quyết bước theo hầu đạt cho được CHÂN – THIỆN – MỸ. Nhưng cũng có những người còn mãi chìm ngập trong lạc thú, trong sự kiếm tìm vật chất và tiện nghi của thế gian mà lãng quên Thiên Chúa, bỏ quên những giá trị cao đẹp và đích thật mà đời người cần tìm kiếm. Câu hỏi “tại sao?” được đặt ra.
        Nhiều thứ học thuyết nghiêng về các giá trị vật chất, nhiều thứ chủ nghĩa khuyến khích sự hưởng thụ, ủng hộ sự bài bác Thiên Chúa, loại trừ các giá trị tâm linh… đang được Stan sử dụng để làm lạc hướng con người. Bên cạnh đó là chính bản chất con người, với sự yếu đuối của thân xác bụi tro; với những ham muốn của công danh, tiền tài, địa vị…đang kéo con người vào cuộc sống quay cuồng và đảo điên, đang làm con người mất dần ý niệm về một cuộc săn tìm cõi bất diệt.
Nhưng, Thiên Chúa không bỏ rơi con người, vị Thiên Chúa yêu thương và tự hạ ấy vẫn luôn chờ đợi những cơ hội để tiếp cận con người và đưa con người về với Ngài. Cơ hội ấy vẫn luôn tồn tại do chính sự thức tỉnh ngay nơi chính bản thân chúng ta. Giữa những nổi trôi và sóng gió của một cuộc đời nhân thế, một ngày nao dừng lại bên bờ giếng thinh lặng, con người bỗng cảm thấy mệt mỏi, chán chường và thiếu vắng một điều gì đó mà bấy lâu mình không quan tâm và để ý tới.
       Về sự tạm bợ của cõi trần ai, về sự mỏi mệt và vô nghĩa sau những tháng ngày đi hoang trụy lạc, sự thức tỉnh khi nhận ra đời mình thiếu vắng tình yêu và sự sống thật ý nghĩa. Thánh Phanxicô có lẽ là một điển hình cho chúng ta noi theo, Ngài đã tỉnh ngộ, một sự tỉnh ngộ hoàn toàn của ý thức và con tim để rồi luôn tâm niệm lời thánh Inhaxiô với câu nói:”Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì nào có ích gì”(Mt 16,26). Phanxicô đã thay đổi cách sống, từ bỏ công danh sự nghiệp của thế gian để dấn thân phục vụ Chúa và Giáo hội...đã trở thành một con người mới với sự khát khao cháy bỏng trong tình yêu dâng hiến cho Chúa và tha nhân. Ngài đã tìm thấy kho tàng của mình ngay khi còn tại thế, đó là niềm vui vì được sống đúng với phẩm giá cao quý mà Chúa ban tặng, đó là sự thỏa mãn cơn khát vọng khi nhận chân được các giá trị cao vời của tình yêu Thiên Chúa, đó là nhiệt huyết phục vụ tha nhân và đem tình yêu vào thế giới…Và kho tàng không mối mọt trên trời cùng tình yêu của “người tình ẩn dấu” đã được ban cho Ngài.
Thánh Phanxico đã thức tĩnh, còn chúng ta thì sao? Nhìn về thực trạng của con người hiện nay, đặc biệt trong lối sống và cách suy nghĩ của người trẻ, chúng ta thấy thật xót xa và đau đớn. Lối sống thực dụng, thiếu tình người, hưởng thụ vật chất lạc thú và lãng quên các giá trị tâm linh…đã biến chúng ta thành những con dã thú man rợ: chà đạp nhân phẩm danh dự, coi thường sự sống và bóp chết nó, trở thành căn tính của biết bao người. Biến người khác thành đòn bẩy đưa mình lên đài cao danh vọng, hay cho họ trở thành đồ chơi để thỏa mãn vui thú của mình. Một thực trạng đáng buồn khác đang nhan nhản trong xã hội hôm nay, đó là, người trẻ không còn ý thức về một tình yêu đúng nghĩa. Họ quan tâm đến khoái lạc của thân xác và tìm mọi cách thỏa mãn nó. Nhãn tiền là tình trạng sống thử trước hôn nhân, là các cuộc chơi hoang đàn điếm tập thể, là sự chờ đợi khám phá thân xác hay các cảm giác mạnh cho mình… Để rồi dẫn đến bao hậu quả tai hại cho chính mình và cho sự sống. Bao bé thơ chưa kịp chào đời đã bị chính “thân mẫu” giết hại, đã bị cha ruột để vào sọt rác. Bao vụ giết người kinh hoàng mà nạn nhân là chính người tình trong cuộc. Đau khổ đầy dẫy xung quanh cuộc sống chúng ta. Trong khi đó, ma quỷ vẫn luôn ru ngủ chúng ta, lừa chúng ta sa chân bằng những cái bẫy ngọt ngào và hào nhoáng kia. Làm sao để thức tĩnh, làm sao để phục hồi lại các giá trị cao đẹp chúng ta đã đánh mất. Làm sao để rủ bỏ hết những thứ thuộc về thế gian mà trả lại cho Thiên Chúa những gì Ngài đã ban tặng.
Thứ nhất, cần xây dựng nơi con người một ý thức về cuộc sống ý nghĩa và các giá trị cao đẹp. Cần nhận ra sự giả tạo của vật chất hay sự hào nhoáng chóng qua của thế gian. Cần nhận ra rằng: Tất cả những thứ đó chỉ dẫn đến diệt vong và làm băng hoại cuộc sống của chúng ta ngay đời này và đưa chúng ta vào đau khổ triền miên mà thôi.
Thứ hai, hãy tìm đến Thiên Chúa qua Đức Kitô, qua lời hằng sống của Ngài chúng ta sẽ tìm thấy đường đi. Hãy luôn ý thức về thân phận yếu đuối, tội lỗi của chúng ta; nhưng cũng luôn nhớ về một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn hay tha thứ. Chúa vẫn luôn chờ đợi con người trở về. Từ muôn thuở Ngài vẫn dang cánh tay chờ sẵn để ôm lấy những kẻ quay về với nguồn sự sống.
Khi đã ý thức được như thế, chúng ta mới dễ dàng rũ bỏ con đường rộng thênh thang kia, dễ dàng rủ bỏ được những quyến luyến với thế gian. Từ đó, mới chấp nhận hy sinh, mới chấp nhận đi trên con đường hẹp, là con đường mà theo bản tính con người không ai muốn đi, rất ít người bước lên. Nhưng con đường đó dẫn tới sự sống, dẫn tới hạnh phúc viên mãn. Chính Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Qua khổ giá và cái chết nhục nhã ê chề, Ngài đã tới vinh quang của sự Phục sinh vinh thắng. Sau cơn mưa thì trời lại sáng.
Ngày hôm nay, chấp nhận theo Chúa, buộc lòng phải lội ngược dòng với những trào lưu của một xã hội giải thiêng và tục hóa. Làm được điều đó, chúng ta phải có đời sống nhân bản, thánh thiện, phải tự trưởng thành, vượt khó thì mới tới đích.
Thập giá là con đường phải đi để tới đích an bình, chứ không có con đường nào khác. Không còn lựa chọn nào khác cho chúng ta nếu chúng ta muốn đạt lấy kho tàng đời đời.
Khi chào đời, chúng ta đưa hai tay ra để đón nhận những gì sắp có trong thế gian, thì khi từ giả cuộc đời ta cũng phải trả lại hết cho nó. Hãy Phục sinh với Đức Kitô, hãy cùng Người chiếm lấy gia tài không mối mọt trên trời. Hãy trả về cho Thiên Chúa một tấm thân và linh hồn trong trắng mà Ngài đã ban tặng cách nhưng không cho chúng ta. Để đổi lấy niềm hạnh phúc muôn đời là được gần kề Thánh Nhan Thiên Chúa.

                                                                                    Peter Thái Hùng

Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam

Tin liên quan

-->