• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Chết


CHẾT

Sinh – tử là quy luật muôn đời của Tạo Hóa. Tất cả mọi người không ai có thể nằm ngoài quy luật bất di bất dịch ấy. Với mỗi một con người chúng ta quy luật đó như hình với bóng. Khoa học có thể tạo ra được một con người nhưng không thể làm cho người ấy luôn khỏe mạnh, trường sinh bất lão. Có sinh ra ắt phải có ngày lìa khỏi thế gian này, không ai có thể gắn bó mãi với cuộc sống đầy “tiện nghi” này. Dù bạn có thể là một nhà khoa học lừng danh, một vị bác sỹ giỏi, hay chỉ là một người nông dân “quê mùa” cũng không thể tránh khỏi quy luật sinh - tử. Ai cũng chết nhưng không phải ai cũng chết như nhau. Có người chết vì tai nạn, người chết vì bệnh tật, người khác chết vì chiến tranh,… Vì lẽ đó, điều mà ai cũng quan tâm là sau khi chết con người sẽ đi về đâu?


Ngạn ngữ La-tinh có câu: “cái chết chỉ là sự khởi đầu”. Câu nói này làm cho tôi cũng có thể là bạn phải suy nghĩ, thường không phải lúc sinh ra mới là sự khởi đầu mà chết xem như là “điểm tới hạn” kết thúc mọi sự rồi sao? Thiết nghĩ rằng, câu nói trên có lẽ đang muốn chỉ về một cuộc sống mới sau khi chết, nói cách dễ hiểu hơn là kiếp sau.
Theo quan niệm Phật giáo, Đức Phật cho rằng con người luôn theo qui luật của vòng luân hồi sau khi chết. Luân hồi tức là tái sinh. Trong kiếp luân hồi sau khi chết con người sẽ được đầu thai kiếp mới, tùy theo công  trạng lúc còn sống mà con người sẽ được đầu thai thích đáng. Kiếp này ăn ở hiền lành, làm được nhiều việc lành phúc đức thì kiếp sau sẽ được sinh về cõi thiện, bởi vì tâm niệm của chúng ta lúc nào cũng nghĩ về điều thiện, việc thiện. Còn trong cuộc sống đời này, chúng ta chuyên làm những việc ác như lừa đảo, trộm cướp, hại người,… nhất định sau khi chết, sẽ đọa vào những cõi khổ, địa ngục, ngạ quỷ, hay súc sinh để trả nợ cũ, bởi vì tâm niệm lúc nào cũng nghĩ về những điều ác, việc ác.
Còn đối với chúng ta là những người Ki-tô hữu cần xác tín rằng sự sống đời này chỉ là tạm bợ, sự sống mai sau mới chính là sự sống đích thực mà Thiên Chúa đã hứa. Đó chính là nước Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su đã giải thích với quan Philato: “Nước Tôi không thuộc về thế gian này, nếu Nước Tôi thuộc về thế gian này, thì quân của Tôi sẽ chiến đấu để Tôi không bị nộp cho người Do Thái. Nhưng không, Nước Tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Và chính Chúa Giê-su chết treo trên cây thập giá để làm chứng cho điều đó. Ngài đã chết, đã phục sinh và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Nghĩ đến thời khắc được “đầu thai” vào sự sống đó, được sống cùng với Chúa, với người thân, bạn bè,… lòng tôi thầm nghĩ ở đó chỉ có tình yêu không có hận thù ghen ghét. Cảm giác đó giống như là một gia đình lâu ngày được đoàn tụ. Người cha được gặp lại những đứa con thân yêu của mình sau những tháng ngày lênh đênh giữa chốn bụi trần. Chịu biết bao cay đắng tủi nhục, bị hắt hủi bởi những tính xấu của thế gian vì luôn làm theo lời cha dạy. Dù người cha không hiện hữu, cạnh kề bên nhưng những đứa con sẽ cảm nhận được tình yêu, sự quan tâm, lo lắng của người cha dành cho nó.
Sự sống đó chỉ dành cho những ai luôn làm đẹp lòng Chúa, tức là chỉ dành cho những ai luôn yêu mến Chúa; không hận thù ghen ghét, ganh đua với người ta; biết quan tâm giúp đỡ những lúc người anh em của mình gặp khó khăn;… Và tất nhiên, nước Thiên Chúa sẽ không dành cho những ai bất kính với Thiên Chúa; những ai luôn mang hận thù và chiến tranh; những ai luôn chỉ biết sống cho riêng mình mà bỏ mặc làm ngơ trước sự đau khổ, khốn khó của những người anh em xung quanh.
Điểm qua những thời khắc hiện tại mà chúng ta đang sống, có lẽ chúng đang mãi mê kiếm tìm những thứ gì tốt nhất cho cuộc sống hiện tại đó là tiền bạc, của cải vật chất, những đam mê, danh vọng, thú vui của cuộc sống,… Chúng ta lãng quên việc tìm kiếm những “chất liệu” cho sự sống mai sau. Chúng ta sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ cho những cuộc vui chơi đàn điếm. Nhưng lại không thể bỏ ra vài đồng cho những người đang rơi nước mắt vì đói khát, lạnh lẽo. Trong khi chúng ta đang nô đùa vui cười để thõa mãn những “cơn” thèm khát của chúng ta, thì biết bao người phải chịu cảnh tù túng, đói rách cần chút yêu thương. Câu tục ngữ quý giá “lá lành đùm lá rách” mà cha ông ta đã để lại có lẽ đã bị chôn vùi trong sự ích kỷ của bản thân. Quan niệm “mình vì mọi người” đã bị khép vào quá khứ. Thời đại bây giờ chỉ còn chủ nghĩa “mackeno” bá chủ thôi.
Tiền bạc, của cải vật chất trở thành “ông chủ” của rất nhiều người. Nó điều khiển và biến con người thành công cụ của tội ác. Cũng thật là lạ lùng, tiền bạc chỉ là một sản phẩm tầm thường do con người tạo ra thế mà nó lại trở thành chủ nhân của con người.
Đối với những hạng người đặt tiền bạc, vật chất làm tiêu chuẩn; xem danh vọng làm đích đến thì nước Thiên Chúa không thể ngự trị nơi họ. Như thế, cái chết sẽ làm họ mất tất cả vì họ không còn hy vọng. Thiếu hy vọng, cái chết trở nên hãi hùng đau khổ. Thiếu hy vọng con người không có chỗ bám víu khi cái chết gần kề. Cái chết tuy chỉ là sự khởi đầu nhưng khi chúng ta không có hy vọng nó trở thành điểm cuối của cuộc hành trình.
Ai cũng muốn chọn cho chúng ta những phần tốt nhất. Tôi cũng muốn được ăn no mặc đẹp; khao khát một cuộc sống đầy hương vị của tình người, một tình yêu đích thực, một người cha người mẹ đầy tình yêu thương, một người bạn để chia sẽ,… Và nhất là khao khát được một “túp lều tranh” trong nước Thiên Chúa. Chắc bạn cũng như tôi?

Quả thật “cái chết là chỉ sự khởi đầu” nhưng khởi đầu trong nụ cười hay nước mắt là tùy thuộc ở mỗi chúng ta.
 Nếu Được
(Ban truyền thông SVCG Thánh Tâm)

Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam

Tin liên quan

-->